Ngày nay, áp lực học đường đang là vấn đề giáo dục bức thiết. Rất nhiều ý kiến đánh giá của những chuyên hgia cho rằng, học sinh đang phải chịu rất nhiều áp lực từ học tập, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và bế tắc.
Áp lực học tập
Theo chia sẻ của bà Ngô Thị Minh- Phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội thì chưa có giai đoạn nào học sinh phải chịu áp lực học tập như bây giờ. Đây thực sự là vấn đề rất bức xúc mà các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ và tập trung tháo gỡ.Nếu chúng ta không xem xét thực tế để tìm ra căn nguyên thì chỉ một thời gian nữa, những gì đang nóng lên rồi cũng sẽ nguội dần và rơi vào quên lãng.
Cũng theo ý kiến của Giáo sư Phạm Thụ tại Hội thảo góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục : “Chương trình giáo dục hiện nay quá nặng nề, quá hàn lâm. Chúng ta cần giải quyết ngay vấn đề này. Nếu chúng ta giải quyết được việc này chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khác, từ tự tử vì áp lực đến dạy thêm học thêm”. Theo ông, nên giảm khối lượng và tính hàn lâm của chương trình. Đồng thời, không thể yêu cầu chương trình giáo dục giống nhau giữa các vùng miền.
Điều kiện học tập chưa đáp ứng
Cũng theo ý kiến của bà Minh, áp lực ở đây không chỉ dồn vào học sinh mà cả với giáo viên. Ở nhiều nơi, trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đảm bảo điều kiện dạy và học. Lẽ ra giáo viên chỉ đảm nhiệm quản lý và dạy 30-35 học sinh/lớp thì có giáo viên phải dạy 50-60 học sinh/lớp.
Bên cạnh đó, tình trạng “học chay” vẫn phổ biến. Do thiết bị dạy học thiếu thốn, điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học, để quan tâm tới từng học sinh không được đảm bảo. Giáo viên phải dạy theo kiểu mô tả kiến thức, học sinh phải tiếp nhận theo kiểu trừu tượng.Việc rèn luyện, tiếp thu kiến thức, kỹ năng hạn chế cũng dẫn tới việc cả thầy và trò cùng phải vất vả, cố sức, dẫn tới áp lực, quá tải.
Chương trình học hàn lâm
Chương trình giáo dục đang hiện hành vẫn nặng về truyền thụ kiến thức, trong khi điều kiện dạy học chưa đảm bảo nên học sinh cảm thấy nặng. Chương trình mới tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, định hướng tăng cường dạy học tích hợp, tăng thực hành, vận dụng kiến thức là đúng.
Tuy chương trình đã giảm tải được chưa thì chưa có đủ cơ sở vì hiện nay mới hoàn thiện chương trình giáo dục tổng thể, các chương trình bộ môn đang trong quá trình hoàn thiện. Ngoài ra, còn 20% thời lượng dành cho giáo dục địa phương cũng phải tiếp tục xây dựng.
Áp lực thi cử và gia đình
Theo những tin giáo dục mới cập nhật, vấn đề thi cử như năm vừa qua tưởng tốt nhưng vẫn “có vấn đề”. Nhìn qua thì có vẻ nhẹ nhàng hơn vì số ngày thi giảm đi. Thực tế thì nội dung thi tăng từ bốn môn lên thành sáu môn thành ra lại tăng áp lực. Những môn thứ năm, sáu đó tưởng là nhẹ nhưng học sinh vẫn phải học hết.
Học sinh không có quyền lựa chọn các môn thi theo thiên hướng cá nhân và phù hợp với sự chuẩn bị cho tương lai. Môn thi, cách thi có khi thay đổi rất đột ngột làm học sinh bất ngờ. Cộng với việc thiếu vắng những khảo sát thực tế khiến các em xoay trở vất vả, mệt mỏi.
Bên cạnh đó, học sinh cũng phải chịu sức ép từ gia đình, môi trường sống, hoạt động học tập cũng như vấn đề rối nhiễu tâm của lứa tuổi cho thấy khi còn hạn chế kinh nghiệm sống, kỹ năng sống cũng như khả năng tự cân bằng đời sống tinh thần, các em chọn hành vi tự hủy hoại bản thân như một lối thoát.